"VinSmart có thể bắt đầu từ việc sản xuất các thiết bị tầm trung và nâng cấp lên sản xuất thiết bị cao cấp từng bước một", Matthew Xie, nhà phân tích di động của Canalys, cho hay.
Giống như các nước khác trong khu vực Đông Nam Á, điện thoại thông minh của Samsung và một vài thương hiệu khác do Trung Quốc sản xuất đang thịnh hành trên thị trường Việt Nam. Các mẫu điện thoại này có các tính năng vừa đủ nhu cầu, máy ảnh đến kích thước màn hình đều đạt chất lượng người dùng muốn. Các mẫu điện thoại trên chạy trên hệ điều hành Android quen thuộc của Google và có giá thấp hơn iPhone. Đó là tất cả những yếu tố lý tưởng cho người dùng ở một quốc gia đang phát triển.
Trong những năm qua, một số công ty Việt Nam đã cố gắng giành lại thị phần nội địa nhưng họ đều gặp những khó khăn do các thương hiệu nước ngoài đã có mặt từ rất lâu trước khi Việt Nam sản xuất những chiếc điện thoại thông minh của riêng mình.
Nhưng năm nay, VinSmart - Công ty con của Tập đoàn Vingroup - đã đặt mục tiêu vượt qua một số thương hiệu Trung Quốc. VinSmart sẽ hướng đến mục tiêu đó bằng cách cung cấp cho người tiêu dùng Việt Nam một chiếc điện thoại thông minh chất lượng, duy trì giá khoảng 100 USD cho mỗi chiếc điện thoại và kết hợp với việc tiếp thị trực tiếp, một hình thức tiếp thị mà các thương hiệu nước ngoài khó có thể áp dụng.
Bước ngoặt
CEO của VinSmart, ông Trần Minh Trung, đã chứng kiến thị phần của công ty này tăng lên, sau khi ra mắt dòng điện thoại Joy 3 vào ngày 14/2. Công ty đã bán được 12.000 chiếc điện thoại trong 14 giờ, ông Trung cho biết, vì người tiêu dùng Việt Nam thích các tính năng phù hợp với người bản địa.
"Mặc dù điện thoại Vsmart sử dụng hệ điều hành Android, bộ phận kỹ thuật phần mềm của Vsmart đã điều chỉnh hệ điều hành Android gốc để phát triển thành hệ điều hành VOS - với các tính năng dành riêng cho người tiêu dùng Việt Nam" - ông Trung nói. "Những chiếc điện thoại chạy nhanh hơn điện thoại Android thông thường, hỗ trợ tin nhắn Vsmart-to-Vsmart và các cuộc gọi miễn phí giữa các thiết bị Vsmart”, ông nói thêm.
Công ty này đã chiếm 6% thị phần vào cuối năm 2019, thấp hơn công ty dẫn đầu thị trường -Samsung ở mức 32%, cũng như theo sau các thương hiệu Trung Quốc như Oppo ở mức 23%, Vivo với 11% và Xiaomi ở mức 9%, công ty nghiên cứu thị trường công nghệ Canalys tính toán.
Công ty nghiên cứu thị trường IDC cho rằng Vsmart đã chiếm 12,4% thị phần trong quý IV năm ngoái, so với Samsung ở mức 29,9% và Oppo là 19,1%. Họ cho biết khoảng 5 triệu chiếc điện thoại đã được bán tại Việt Nam trong quý đó.
Sử dụng mạng lưới của Vingroup
"Hệ thống bán hàng trực tiếp (offline) tích cực tại Việt Nam có thể tăng thị phần nội địa của Vsmart lên tới 15% trong năm nay", Matthew Xie, nhà phân tích di động của Canalys nói. "Khoảng 85% doanh số bán hàng tại Việt Nam là mua trực tiếp", ông ước tính.
"Chắc chắn, sự bùng phát Covid-19 tại Việt Nam đã gây khó khăn cho việc vận chuyển", ông Xie lưu ý, "Có nghĩa là thị trường điện thoại thông minh nói chung của Việt Nam sẽ giảm từ 1% đến 16% nếu xem xét kênh bán hàng trực tiếp bị ảnh hưởng nghiêm trọng".
"Nhưng Vsmart có thể tận dụng các ngành kinh doanh khác của Vingroup để tiếp thị", ông nói. "Vingroup điều hành một mạng lưới rộng khắp các trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi và khu nghỉ dưỡng và phát triển nhà ở tại Việt Nam. Nhà cung cấp này đã phân phối 100.000 chiếc điện thoại miễn phí cho những người sống ở Vinhomes".
Giá thấp, thị phần cao hơn
Giá là một lợi thế khác. Việt Nam, mặc dù tăng trưởng kinh tế nhanh chóng kể từ năm 2012 và tầng lớp trung lưu đang bùng nổ, vẫn là một thị trường ưa thích các dòng điện thoại tầm trung có giá khoảng 200 USD, chiếm khoảng 67% thị phần, Xie nói. "Yếu tố đó giúp VinSmart có thể bắt đầu từ việc sản xuất các thiết bị tầm trung và nâng cấp lên sản xuất thiết bị cao cấp từng bước một", Xie cho hay.
Điện thoại Joy 3 có giá khởi điểm 98 USD và đi kèm với bộ vi xử lý Snapdragon 632, màn hình 6,5 inch, hệ thống cụm 3 camera phía sau với camera selfie 8MP. Vsmart trước đây đã cung cấp các chương trình trợ giá cho người dùng đối với các mẫu điện thoại có giá dưới 150 USD. Nhưng khó có thể so sánh về thông số kỹ thuật với các đối thủ Trung Quốc.
Vsmart phải sử dụng các chiến lược giá để bắt kịp sự cạnh tranh, Lam Nguyễn, Giám đốc điều hành của IDC Indochina tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết. Để làm được điều đó, thương hiệu này đã tham gia chương trình phổ cập điện thoại thông minh của Bộ Thông tin Truyền thông Việt Nam bằng cách cung cấp điện thoại với giá 500.000 đồng Việt Nam (21,60 USD) để đổi lấy các gói cước không dây và các ứng dụng được cài đặt sẵn.
Quan hệ đối tác bên ngoài Vingroup
Những mối quan hệ như trên sẽ giúp Vsmart xây dựng một hệ sinh thái trực tuyến, nhằm mục đích xây dựng mạng lưới và giữ chân khách hàng. Thành lập một liên minh hợp tác và xây dựng một hệ sinh thái có thể sẽ thúc đẩy VSmart vượt lên trên các đối thủ cạnh tranh.
Vsmart hy vọng sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với Google, ông Trung cho hay. Theo ông, hai đối tác sẽ tìm kiếm những chiến lược để sử dụng các hệ điều hành chạy Android trong các thiết bị được điều khiển không dây như TV. Vsmart và Google đã bắt đầu những thử nghiệm đầu tiên trên TV.